Giới thiệu

Nhà phố, hay còn được gọi là nhà phố liên kế, là loại nhà ở phổ biến và đặc trưng trong các đô thị Việt Nam. Nhà phố không chỉ được sử dụng để ở mà còn có thể kết hợp với các hoạt động kinh doanh như cửa hàng, văn phòng, khách sạn, nhà trọ, và cơ sở sản xuất nhỏ lẻ. Ở Tp. Hồ Chí Minh, nhà phố có nhiều sự phát triển đa dạng qua nhiều giai đoạn lịch sử.

Khái niệm nhà phố

 

Với GS. Trương Quang Thao thì “nhà phố” được bắt đầu từ “phố xá”, “phố” là bày biện, “xá” là nhà. “Phố xá” là nhà bày hàng để bán, sau đọc trại thành “nhà phố”. Trong dân gian thì đó là nhà ống, nhà mặt tiến, nhà liên kế, căn hộ Châu Á (Compartiment Asiatique), căn hộ Tàu (Compartiment Chinois)…[1].

Còn với GS. Yukio Nishimura nhà phố là những ngôi nhà kiểu cửa hàng đã được người Trung Quốc nhập cư vào Đông Nam Á. Những người Trung Quốc di cư đã mang theo lối sống và các hoạt động thương mại gắn liền với cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày trong gia đình họ. Những “ngôi nhà – cửa hàng” này được gọi là “Ruko”, được rút ngắn từ “Rumah” (nhà), “Toko” (cửa hàng) trong tiếng Indonesia và “Machina” (thành phố), “Ya” (nhà ở) tiếng Nhật [1]

Tóm lại, Nhà phố là một kiểu nhà ở riêng lẻ có một kiểu sắp xếp đặc biệt, có mặt bằng và mặt đứng đều ở dạng ống, mặt tiền của mỗi nhà điều khác nhau và có lối vào trực tiếp với một đường phố hay con hẻm. Đây là loại nhà ở linh hoạt và thích ứng, có khả năng phục vụ nhiều chức năng, không chỉ để ở mà còn để kinh doanh hoặc sản xuất nhỏ lẻ. Có nhiều cách gọi khác nhau cho nhà phố như “nhà lô,” “nhà dân tự xây,” “nhà ống,” “nhà phố”, “nhà liên kế” tùy thuộc vào mục đích và bố trí khu đất.

Quá trình phát triển nhà phố

các giai đoạn phát triển của nhà phố
các giai đoạn phát triển của nhà phố

1 Giai đoạn hình thành nhà phố trước năm 1860

Có sự pha tạp với nền văn hoá Chàm, Kh’me, Trung Hoa.. Nhà phố xuất hiện đầu tiên tại Việt Nam vào khoảng thế kỷ 17 tại khu “36 Phố Phường” tại Hà Nội và khu Chợ Lớn tại TPHCM. Trong giai đoạn này, nhà phố thường có mái lợp ngói dốc, thích hợp với khí hậu nhiệt đới và có phong cách kiến trúc ảnh hưởng từ Huế. Nhà phố được bố trí dọc ven các con kênh, rạch và mặt tiền nhà thường quay ra hướng sông. Mỗi ngôi nhà có mặt đứng kín đáo và không cầu kỳ, không được sơn son trang trí do chính sách kìm hãm mọi mặt của triều đình nhà Nguyễn.  Quan niệm truyền thống đã được thể hiện rõ trong bố trí mặt bằng cũng như trong bài trí nội thất, cụ thể là trong không gian thờ phụng ở giữa nhà và sự tách biệt giữa không gian cư trú (nhà dưới) với không gian sinh hoạt (nhà trên) [1].

2 Giai đoạn từ 1860 đến 1945

Nhà phố trong giai đoạn này chịu nhiều ảnh hưởng từ kiến trúc Pháp. Sau khi Pháp chiếm Sài Gòn vào năm 1859, các vật liệu xây dựng mới như sắt, xi măng và ván gỗ được nhập cảng, đồng thời các kiến trúc sư và thợ lành nghề từ Trung Quốc được tuyển dụng để thực hiện xây dựng. Nhà phố thời kỳ này có phong cách kiến trúc phong phú, nhiều tầng, và mái ngói Tây màu đỏ. Giai đoạn này còn chứng kiến sự kết hợp giữa kiến trúc bản địa và kiến trúc Pháp-Hoa, thường được xây dựng kiên cố và tập trung trên cùng một dãy phố, mang phong cách kiến trúc bản địa. Phát triển rất đa dạng các loại nhà và có thay đổi nhà cho thuê (nhà liên kế), nhà theo kiểu căn hộ độc lập, và một số loại nhà bám theo trục đường, đơn thuần chỉ để ở.

3 Giai đoạn từ 1945 đến 1975

Điểm nhấn của giai đoạn này là sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 và hiệp định Genèvơ, một làn sóng di cư từ miền Bắc cũng như lục tỉnh tràn vào miền Nam. Áp lực tăng dân số do dân di cư đã nảy sinh nhiều vấn đề về quản lý lưới điện và kiến trúc…Trước nhu cầu về nhà ở, nhà liên kế được xây dựng nhiều, các vật liệu xây dựng mới được nhập cảng, công trình thi công theo đơn đặt hàng, kỹ thuật xây dựng học tập của nước ngoài hình thành phong cách kiến trúc phong phú, vật liệu xây dựng đa dạng [1].

4 Giai đoạn từ 1975 đến trước 1986

Nhà phố trong giai đoạn này ít có nhiều chuyển biến về kiến trúc do hạn chế cấp đất xây dựng chia lô và cơ chế quản lý, chế độ sở hữu nhà ở chưa rõ ràng. Chính sách này khiến nhà phố ít thay đổi và giữ nguyên tính chất phát triển dân cư truyền thống.

5 Giai đoạn từ 1986 đến nay

Giai đoạn này đánh dấu sự phát triển bùng nổ của nhà phố tại TPHCM. Chính sách đổi mới kinh tế kéo theo sự đột biến về số lượng nhà ở và các khu đô thị mới. Nhà phố trong giai đoạn này phần lớn là nhà xây mới, thường bám theo các con đường mới mở hoặc xây theo kiểu phân lô trong cụm dân cư. Nhiều nhà phố trong khu vực trung tâm được cải tạo và tái sử dụng cho mục đích kinh doanh, dịch vụ hoặc du lịch. Có nhiều chức năng tuỳ thuộc vào vị trí trong mạng lưới đô thị, từ chức năng ở, kinh doanh đến sản xuất nhỏ lẻ. [2]

Kết luận

Nhà phố đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển đa dạng tại Thành phố Hồ Chí Minh, từ những căn nhà đầu tiên xuất hiện vào thế kỷ 17 cho đến sự phát triển bùng nổ sau năm 1986. Nhà phố đã tạo nên nét đặc trưng cho kiến trúc đô thị tại Việt Nam, đồng thời đáp ứng nhu cầu kinh tế – văn hóa – xã hội của người dân đô thị. Trong tương lai, nhà phố sẽ tiếp tục phát triển và thích ứng với nhu cầu của xã hội, góp phần tạo nên sự phát triển bền vững cho Thành phố Hồ Chí Minh. Cần có những chính sách hỗ trợ và quản lý hiệu quả để duy trì và phát huy giá trị của nhà phố trong quá trình đô thị hóa và phát triển của thành phố.

Tài liệu tham khảo A Group:

[1] Lê Thị Minh Tâm (1999), Quá trình tồn tại và xu hướng phát triển kiến trúc nhà phố trong đô thị Việt Nam – lấy TPHCM làm ví dụ, Luận văn Thạc sĩ, Trường Đại học kiến trúc TPHCM.

[2] Bùi Lê Ấn Lĩnh (2014), Kiến trúc nhà phố thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu tại TPHCM, Luận văn Thạc sĩ, Trường Đại học kiến trúc TPHCM.

[3] Trần Thị Thùy Trang (2016), Giải pháp kiến trúc cải thiện vi khí hậu trong nhà phố tại TPHCM, Luận văn Thạc sĩ, Trường Đại học kiến trúc TPHCM.

Thông Tin Liên Hệ:

  • Hotline: 094 122 22 81
  • Văn Phòng Tư Vấn Thiết Kế:
  • TP. HCM: 524 Lý Thường Kiệt, Phường 7, Quận Tân Bình.
  • TP. Rạch Giá: P31-19, Tôn Đức Thắng, Khu đô thị Phú Cường, Phường An Hòa.
  • TP. Phú Quốc: Đường D. Đông – Cửa Cạn, KP10, Phú Quốc, Kiên Giang
  • Xưởng sản xuất: 136 Ba Sa, xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi, TP. HCM
  • 📒Facebook: https://www.facebook.com/thietkexaydungagroup
  • 📒Website: xaydungagroup.com

 

Bài viết liên quan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *